Long Phú hiệu quả bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm nhằm khai thác, phát huy lợi thế của địa phương, cải tiến cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nông dân. Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Long Phú, đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với huyện Long Phú, cây lúa vẫn là cây trồng chủ lực, trong sản xuất khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm đặc sản cấp xác nhận để canh tác. Năm 2020, tổng diện tích xuống giống trên 36.638ha, sản lượng đạt 185.784 tấn, trong đó diện tích lúa đặc sản chiếm 46,68% diện tích xuống giống. Mô hình cánh đồng lớn được duy trì và phát triển tại xã Trường Khánh 630ha và Long Đức 608ha. Giai đoạn 2017 - 2020, huyện Long Phú xây dựng được 12 mô hình thuộc Dự án Phát triển lúa đặc sản của tỉnh với tổng diện tích 312ha. Long Phú còn phối hợp Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm cho nông dân 4 xã trong vùng dự án, như: Long Đức, Long Phú, Tân Hưng và thị trấn Long Phú. Huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện Dự án Phát triển lúa đặc sản theo chuỗi giá trị được 150ha. Năm 2020, xây dựng mô hình 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm trong sản xuất lúa với diện tích 1.830ha. Diện tích trồng lúa được chứng nhận VietGAP được 79,77ha, gồm 40,2ha thuộc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thành Công, xã Phú Hữu và 39,55ha thuộc HTX Nông nghiệp Hưng Lợi, xã Long Đức. Trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện đã thực hiện chuyển đổi diện tích trên 730ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại rau màu, cây ăn trái có hiệu quả kinh tế. Trong sản xuất lúa, cơ giới hóa được áp dụng gần như 100% trong các khâu làm đất, thu hoạch, góp phần giảm chi phí sản xuất và thay thế nguồn lực lao động địa phương.
Chú thích ảnh: Long Phú cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện Long Phú còn có nhiều mô hình sản xuất rau màu được triển khai và đánh giá có hiệu quả như: mô hình trồng nấm rơm, cà tím Nhật, mô hình trồng bắp, trồng ớt sừng vàng, dưa leo, bầu, bí... Các mô hình trên đã làm thay đổi nhận thức của người dân sản xuất lúa truyền thống trước đây, mặc dù diện tích canh tác không lớn nhưng mang lại thu nhập cao cho người dân. Thời gian qua, huyện Long Phú còn phát triển được 5 nhà lưới trồng rau màu an toàn với tổng diện tích 1,31ha; 1 mô hình trồng rau thủy canh 500m2; diện tích trồng rau được chứng nhận VietGAP 11,55ha với 26 hộ dân tham gia là thành viên HTX Nông nghiệp Phát Đạt ở xã Châu Khánh. Diện tích cây ăn trái tập trung phát triển tại các nơi có điều kiện như xã Phú Hữu, Song Phụng, Trường Khánh, Long Đức và thị trấn Long Phú... Diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện hiện nay gần 2.000ha, trong đó các loại cây trồng chính như nhãn, bưởi, cam, xoài... Thời gian qua, huyện Long Phú đã khuyến khích nông dân tăng cường cải tạo vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế như thanh nhãn, nhãn xuồng, nhãn Ido, bưởi da xanh… Ngoài ra, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh và Dự án Phát triển cây ăn trái theo chuỗi giá trị của huyện tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận phát triển các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế trong thời gian tới.
Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Long Phú tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển đàn vật nuôi tập trung, phát triển mở rộng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; triển khai Dự án Phát triển chăn nuôi bò thịt của tỉnh; Dự án Phát triển chăn nuôi bò theo chuỗi giá trị của huyện nhằm cải tạo đàn bò địa phương và xây dựng một số mô hình nuôi các loại con giống mới có giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi gà thịt, nuôi gà lấy trứng, nuôi chim trĩ, mô hình nuôi bò sinh sản, mô hình nuôi bò vỗ béo… Bên cạnh đó, Long Phú còn tiếp tục phát triển vùng nuôi tôm nước lợ theo tuyến ven Sông Hậu, một số hộ nuôi tôm đã áp dụng hiệu quả như mô hình nuôi 2 giai đoạn công nghệ cao, mô hình nuôi lươn không bùn, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính… kinh tế tập thể tiếp tục được huyện Long Phú củng cố, phát triển. Huyện Long Phú đã thành lập được 47 tổ hợp tác với 961 thành viên, diện tích đất canh tác trên 1.400 ha; 22 hợp tác xã nông nghiệp với 1.256 thành viên, tổng diện tích canh tác gần 1.960 ha, vốn điều lệ 04 tỷ 304 triệu đồng, trong đó, có 5 HTX hoạt động bước đầu mang lại hiệu quả, liên kết với các công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào và thu mua lại sản phẩm cho thành viên. Riêng HTX Nông nghiệp Hưng Lợi được Dự án VnSAT tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, được chọn thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: “Để thực hiện đạt hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện rà soát lại các loại cây trồng, vật nuôi của từng địa phương, trong đó xác định rõ quy mô, diện tích cây trồng, vật nuôi có năng lực cạnh tranh để tiếp tục duy trì; các loại cây trồng không có khả năng cạnh tranh chuyển đổi sang những cây trồng khác có giá trị kinh tế hơn. Phối hợp với các ngành chuyên môn tỉnh tiếp tục thực hiện Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Đề án Lúa đặc sản, Dự án Chăn nuôi bò thịt, Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh. Tiếp tục duy trì và mở rộng các cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết giữa các tổ chức đại diện của nông dân với nhau và với doanh nghiệp. Phát triển chăn nuôi đàn heo, đàn bò, đàn gia cầm theo hướng tập trung dưới hình thức trang trại gắn liền với bảo vệ môi trường bằng hệ thống biogas; tận dụng chất thải chăn nuôi ủ thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt và khí gas làm chất đốt. Kiện toàn, phát triển diện tích nuôi thủy sản nước lợ trong vùng quy hoạch. Đồng thời, tăng cường xây dựng các mô hình nuôi tôm, cá nước ngọt và mở rộng diện tích thay thế các vùng trồng lúa, màu kém hiệu quả giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Sóc Ca.